Giữ gìn ký ức qua di sản điện ảnh Việt Nam
Ngày 22.6, tại Hà Nội, Viện phim Việt Nam đã tổ chức Triển lãm Di sản Tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam và hội thảo Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là hai hoạt động bên lề của Hội nghị các Viện Lưu trữ Nghe Nhìn Đông Nam Á- Thái Bình Dương (SEAPAVAA) lần thứ 25, diễn ra từ ngày 22 đến 27.6. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cắt băng khai mạc triển lãm và tham dự hội thảo.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cắt băng khai mạc triển lãm Di sản Tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam
Di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch
Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 không chỉ là cơ hội để Việt Nam quảng bá những thành công trong lĩnh vực lưu trữ điện ảnh mà còn mở ra cơ hội tăng cường giao lưu, kết nối giữa các đơn vị sản xuất và lưu trữ điện ảnh trong nước và nước ngoài.
“Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá nền điện ảnh, qua đó quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Với mong muốn giới thiệu hình ảnh về đất nước con người Việt Nam tươi đẹp, Viện Phim Việt Nam tổ chức triển lãm Di sản Tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Ngô Đặng Trà My phát biểu.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tại triển lãm Di sản Tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam
Triển lãm giới thiệu khoảng 120 ảnh bối cảnh quay phim được các nhà làm phim trong nước và nước ngoài thực hiện tại Việt Nam. Đây là những tư liệu đang được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Nội dung triển lãm được đăng tải online trên trang thông tin điện tử của Viện phim Việt Nam cùng các trang mạng xã hội Facebook và Youtube.
Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim thời 4.0
Phát biểu tại hội thảo Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Nguyễn Xuân Dư cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo quản, lưu trữ số hóa và phục chế phim tại Việt Nam, từ đó có được định hướng và đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của tư liệu hình ảnh động.
Bối cảnh trong phim Kong- Đảo Đầu lâu, tại Vịnh Hạ Long
Theo ông Nguyễn Xuân Dư, tại Việt Nam, trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu. Trong thời kỳ thay đổi về công nghệ như hiện nay, công tác lưu trữ, bảo quản phim sẽ phức tạp và khó khăn hơn trước rất nhiều vì vừa phải tiếp thu công nghệ mới phù hợp với sự phát triển khoa học kỹ thuật, vừa phải tiếp tục duy trì việc bảo quản phim nhựa truyền thống. Trong bối cảnh đó, mỗi đơn vị lưu trữ phim sẽ có những cách tiếp cận khác nhau, cũng như có định hướng phát triển, xây dựng kế hoạch riêng phù hợp với thực trạng..
Các tham luận tại hội thảo chia sẻ quan điểm về việc làm thế nào để lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim nhựa trong thời kỳ công nghệ thay đổi ở các đơn vị lưu trữ tại Việt Nam. Đại tá Hoàng Ngọc Thanh (Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, nguyên Giám đốc Điện ảnh – Truyền hình Biên phòng) chia sẻ, các phim do Điện ảnh – Truyền hình Biên phòng sản xuất là tài sản vật chất, tinh thần có giá trị lịch sử, truyền thống to lớn. Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, việc tiến hành lưu trữ, bảo quản, số hóa phim phục vụ cho nhiệm vụ chính trị lâu dài là hết sức cần thiết và cấp bách.
Cảnh đẹp như vẽ của Hà Giang trong phim Cha cõng con
Tuy nhiên, trong những năm qua công tác lưu trữ, bảo quản phim tại Điện ảnh – Truyền hình Biên phòng chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến rất nhiều tác phẩm đang đứng trước nguy cơ lão hóa rất cao, một số đã bị hư hỏng, xuống cấp hoặc công nghệ trình chiếu đã thay đổi khiến không thể khai thác được.
Đề cập đến xu thế tất yếu hiện nay là công nghệ điện ảnh kỹ thuật số, bà Đặng Thị Kim Sơn (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu & Khoa học TƯ) cho rằng, việc chuyển từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số có nhiều lợi ích về mặt kinh tế, về môi trường và thường không bị suy giảm chất lượng; thuận lợi hơn đối với các nhà làm phim và cả với người xem. Nhưng khi lưu trữ với dung lượng phim số lớn, thì vấn đề mới sẽ nảy sinh là việc lưu trữ số cần thận trọng hơn nhất nhiều bản phim nhựa hoặc băng đĩa. Đây cũng là một vấn đề phức tạp cần thực sự được quan tâm, nhất là đối với công việc lưu trữ phim ảnh trong thời gian 100 năm hay hơn nữa.
Cuộc sống vùng sơn cước của Cao nguyên đá Hà Giang trong phim Chuyện của Pao
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (Hãng phim Ơ Kìa Hà Nội), Việt Nam đang sở hữu và mỗi ngày được làm dày dặn thêm khối lượng di sản điện ảnh khổng lồ. Nhưng cùng với đó, sự lão hoá của những cuốn phim vật lý là không thể chống lại. Mang đến hội thảo dự án Bảo tồn Di sản Điện ảnh Việt Nam thông qua phục chế và số hoá 4K phim 35mm chọn lọc, theo đạo diễn, hãy nhìn nhận tác phẩm điện ảnh như một di sản quý giá của quốc gia – dân tộc. Và thực tế là di sản ấy không thể tồn tại quá lâu dài, dù trong điều kiện lý tưởng. Bởi vậy, cần có những việc phải làm ngay để bảo tồn những di sản điện ảnh, gìn giữ cho các thế hệ sau này.
Từ ngày 23- 25. 6, Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Nhiều chuyên đề có ý nghĩa thiết thực sẽ được trình bày như Nghiên cứu tình huống về quản lý và thay đổi; Khả năng thích ứng của các Viện lưu trữ trong thời đại công nghệ thay đổi và những cơ hội; Lưu trữ và cộng đồng; Những phản ánh và khó khăn trong lưu trữ;; Hợp tác tại các Viện Lưu trữ...
Hạ Long huyền bí trong phim Đông Dương
Ngoài ra còn có nhiều hoạt động như giới thiệu cuốn sách Lưu trữ ký ức: Điện ảnh và Lưu trữ ở Châu Á- Thái Bình Dương; chiếu 02 phim hoạt hình Việt Nam: Giấc mơ bay và Bản nhạc của thỏ trắng, chiếu 5 phim quý hiếm của SEAPAVAA. Chương trình phim Việt Nam chào mừng Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 26-27.6 tại Rạp 1 Ngọc Khánh, Viện phim Việt Nam, với hai bộ phim Hạnh phúc của mẹ và Chuyện của Pao.
Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề của Hội nghị, Viện phim Việt Nam sẽ tham gia bài viết trong cuốn sách được Ban Điều hành SEAPAVAA biên soạn có tên Giữ gìn ký ức: Điện ảnh và Lưu trữ ở Châu Á- Thái Bình Dương. Đây là Dự án đặc biệt kỷ niệm 25 năm SEAPAVAA ra đời.
Theo: MINH NGỌC; ảnh: VŨ MỪNG
Nguồn: Báo Văn Hóa
Link: https://ift.tt/3xDWL5w
Comments
Post a Comment