Tài liệu thuyết minh Phá Tam Giang – Hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á

Phá Tam Giang: địa danh bắt đầu từ một câu ca, một tên gọi

Đầm phá là một vùng biển cạn, vùng đệm, nơi trung chuyển và hòa trộn giữa các vùng cửa sông trước khi đổ ra biển, nên đó là vùng nước lợ, tạo nên một loại hình sinh thái đặc biệt ở miền Trung. Trong diễn trình lịch sử và văn hóa Huế, dấu ấn vùng sông nước đầm phá Tam Giang có nhiều biến động, thể hiện rõ qua câu ca đến nay vẫn được lưu truyền phổ biến trong dân gian:

phatamgiang

… Thương em anh cũng muốn vô,

 Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

 Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,

Truông Nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm.

Ở đây, có hai giai đoạn rất rõ ràng về phá Tam Giang trong tâm thức dân gian Huế, từ rất “sợ” vì quá sâu đến hết sợ nhờ nó “cạn”. Vậy thì tại sao người ta lại “sợ” phá Tam Giang, để rồi từ đây, càng làm rõ hơn ý nghĩa của quá trình “cạn” dần đó, nhất là từ suy nghĩ của người làm nông nghiệp lúa nước. Phá Tam Giang có tên chữ là Hạc Hải, Thiển Hải hay Hải Nhi (biển cạn). Trước đây, với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (sình lầy chua mặn, dòng nước “ngược” chảy xiết dễ gây lật thuyền…), trở thành nơi tụ hội của những thành phần bất hảo, lục lâm thảo khấu, sào huyệt hải tặc, gây sợ hãi với người nông dân hay khách buôn khi đi qua đây. Về sau, phá Tam Giang cạn dần và quá trình đó diễn ra liên tục suốt hàng trăm năm, biến vùng sông nước mênh mông trở thành ruộng đồng, hình thành nên nhiều cộng đồng làng xã nông – ngư với di sản văn hóa sông nước đầm phá rất đặc trưng. Có tên gọi Tam Giang là bởi từ hạ lưu sông Lương Điền (Ô Lâu) chảy xuống phá, về phía tây nam có ba dòng nước đổ vào, tạo thành ba cửa là Tả giang, Trung giang và Hữu giang. Đồng Khánh địa dư chí còn mô tả cụ thể sông Ô Lâu, sau khi qua làng Phước Tích, đổ xuống chỗ Bàu Ngược (nay thuộc địa bàn xã Điền Môn – Phong Chương) đến cửa Lác (ở xã Quảng Thái – Điền Hòa) rồi mới bắt đầu đổ ra phá Tam Giang.(1)

Thông tin địa lý tự nhiên

Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đi qua địa giới của 33 xã, 5 huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích mặt nước lên đến 21.600ha, kéo dài 68km, ở nơi rộng nhất 8km, hẹp nhất 0,6km, có độ sâu trung bình 1,5-2m và được chia thành 3 phần: Phía bắc là phá Tam Giang, giữa là Chuồn (An Truyền) – Thủy Tú và phía nam là đầm Cầu Hai. Vực nước có thể tích trung bình 300 triệu m3 và mùa mưa đặc trưng với nền nhiệt độ cao, bức xạ dồi dào, chế độ mưa không giống bất kỳ vùng nào trên đất nước Việt Nam.

supphatamgiang1112

Hơn nữa, theo đường kinh tuyến thì ở 107 độ kinh Đông (107- 22′ đến 107°57′), hệ đầm phá nằm ở miền tiếp giáp giữa lục địa và đại dương. Chính ở 16 độ vĩ Bắc đó cùng với sự chồng lấn, đan xen của hai môi trường sống khác biệt của nước biển mặn và nước ngọt đất liền ở một vực nước lớn ven bờ, làm cho nơi đây có nhiều đặc điểm nổi bật về tự nhiên và giàu có về tài nguyên thiên nhiên của một vùng nước lợ đặc trưng. Trong lịch sử, phá Tam Giang nối liền đầm Hà Trung qua cửa Thuận An. Hiện nay, tên gọi phổ biến là đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và trên thực tế, ở mỗi địa vực lại là những tiểu đầm phá, gọi tên gắn liền từng địa danh cụ thể như đầm Hà Lạc, An Gia, Sam, Chuồn, Thủy Tú, Cầu Hai… Riêng phá Tam Giang chạy dài khoảng 27 km, từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương ở Thuận An, có diện tích 5.200 ha.

Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có giá trị to lớn về mặt tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học của hệ đầm phá đặc trưng. Điều đó đã thu hút được sự quan tâm của quốc gia và quốc tế vì nguồn lợi thủy sinh phong phú, tính đa dạng sinh học cao ở cả ba cấp độ hệ sinh thái, giống loài và nguồn gien. Hơn nữa, nơi đây còn có hai giá trị nổi bật khác: (1) điểm dừng chân của hơn 30 loài chim nước di trú, với nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục các loài chim được bảo vệ nghiêm ngặt của Cộng đồng Châu Âu và (2), có các thảm cỏ biển tập trung – những khu rừng dưới nước, lớn thứ hai ở Việt Nam, sau đảo Phú Quốc, với tổng diện tích lên đến khoảng 1.000ha.

Do vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn mong muốn đề xuất xây dựng thành một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ven bờ, cao hơn là một khu dự trữ sinh quyển ven bờ của thế giới. Hiện nay, đã phát hiện 12 loài tôm, 18 loài cua có giá trị kinh tế cao, như các loài tôm Sú (Penaeus monodon), tôm Lớt (P. merguensis), tôm Rảo (Metapenaeus ensis), cua Biển (Scylla serrata). Tôm cua được khai thác tự nhiên hoặc nuôi trong ao, lồng. Sản lượng tôm có năm đạt đến 1.000 tấn. Các loài thân mềm như Trìa (Corbicula sp.), Ngao (Meretrix meretrix), Vẹm xanh (Mytilus viridis) cũng rất có giá trị. Nơi đây có khoảng 20-23 loài cá có giá trị kinh tế, chiếm khoảng 60- 70% tổng sản lượng tôm cá đầm phá, nổi bật với cá Dầy (Cyprinus centralis), cá Đối mục (Mugil cephalus), cá Dìa (Siganus gattatus), cá Mòi cờ chấm (Clupanodon punctatus), cá Căng (Therapon theraps), cá Cơm (Anchoviella commersonii), cá Sạo chấm (Pomadasy macculatus), cá Đù bạc (Argyrosomus argentatus), cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis).(2)

Một số dấu ấn lịch sử quan trọng

Đến thế kỷ XVIII, phá Tam Giang “cạn” mạnh, trên phạm vi và qui mô rộng lớn, gắn liền hành trạng Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, trên đường bộ lẫn đường thủy, ở Truông Nhà Hồ (Hò Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) và phá Tam Giang, đáng chú ý ở địa danh Bàu Ngược (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Lý giải điều này, Nhất thống chí cho biết Bàu Ngược là nơi thủy tụ, trước khi đổ vào phá Tam Giang, với nhiều hiểm nguy, trắc trở đối với người nông dân. Đó là nơi sông rộng nước sâu, mùa thu mùa đông thường nhiều sóng gió bão, thuyền đi gặp gió ngược đễ bị đắm.

supphatamgiange

Từ thời chúa Nguyễn, Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đào đường kênh khác thông với sông cái để giảm bớt thế nước hiểm nguy, thuyền đi thuận tiện. Văn chức Nguyễn Khoa Đăng là con trai của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm. Sau thành công của công cuộc khai hoang lập ấp ở vùng Quảng Ngãi, Phú Yên (Canh Tý [1720] – Nhâm Dần [1722]), ông được thăng Nội tán, tước Diên Tường hầu, “coi cả việc quân, định lại điều lệ. Bấy giờ đường đi qua rừng Hồ Xá thường có trộm cướp tụ họp, hành khách lấy làm lo ngại”. Chúa sai ông đi kinh lược nơi ấy, ông tìm cách bắt trị, cấm trấp nghiêm minh nên trộm cướp im tắt, đường sá không bị cản trở, “trăm họ đều ca tụng”.(3) Ở đó, quan Nội tán sai người chém chặt cây rừng, lùng bắt côn đồ, do đấy trộm cướp im hơi, buôn bán đi lại được tiện.(4)

Theo Liệt truyện thì ven phá Tam Giang, ở địa phận hai làng Vĩnh Xương và Kế Môn, xứ Bàu Ngược là nơi nước sâu sông cong, mùa thu đông thường có gió to sóng dữ làm cho thuyền đi thường bị đắm. Ông cho dân đào và uốn nắn, khơi thông dòng sông cho thẳng để rút bớt sức nước. Nhờ đó thuyền bè đi lại mới không trở ngại, người đi buôn và khách đi đường được tiện lợi, mọi người đều ca tụng.(5) Tuy nhiên, cũng cần ghi chú thêm về sự nghiệp vẻ vang nhưng cuộc đời oan nghiệt của ông: từng giữ chức Nội tán, kiêm Án sát sứ Tổng tri quân quốc trọng sự, là người “giỏi mưu kế, rất tài phát hiện những việc gian tà bí ẩn, tính ngay thẳng, bọn quyền thần nhiều người ghét, sau bị kẻ cướp giết”,(6) đó là sự kiện năm Ất Tỵ (1725), “Khoa Đăng là người cứng thẳng, liêm khiết, công bình, bọn quyền thế phần nhiều ghét nên bị chúng hại”.(7)

Phá Tam Giang là điểm gắn kết, trung chuyển ra biển, có vai trò rất quan trọng trong việc vận tải và quân sự từ thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Nơi đây gắn liền sự nghiệp của các chúa Nguyễn qua nhiều sự kiện nổi bật như trận thắng giặc Ô Lan (Hòa Lan) ở cửa Eo của thế tử Dũng Lễ hầu (về sau là Hiền vương Nguyễn Phúc Tần) tháng 4/Giáp Thân (1644). 4 năm sau (tháng 2/ Mậu tý – 1648), trên đường rút quân trong chiến cuộc phân tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài tại Quảng Bình, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan trọng bệnh, về tới phá Tam Giang thì băng (8) v.v… Tháng 5/Nhâm Ngọ [1642], nhân ngự thuyền rồng đi chơi cửa Eo, thấy thủy quân không chỉnh tề, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan lệnh cho ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân ở xã Hoằng Phúc (sau là Hồng Phúc, nay là Thanh Phước, Hương Phong, Hương Trà). Thao trường đắp núi đất cao hơn 30 thước, rộng hơn 150 thước, cứ đến kỳ tháng 7 thì thao diễn phép bơi chèo và bắn súng, ai trúng thì được thưởng vàng lụa, nhờ vậy từ đó thủy quân ngày một tinh luyện.

Trong đợt đại chiến với Đàng Ngoài vào tháng 9/Nhâm Tý [1672], thủy quân Đàng Trong trấn giữ các hải khẩu trọng yếu như cửa biển Tư Dung – đội Hữu bính cơ Tam thủy, cửa Eo – đội Hậu thủy, cửa Minh Linh [cửa Tùng] – cơ Hậu thủy; huy động hết hương binh năm huyện bố trí đóng quân ở bờ biển Trường Sa (cồn cát ven biển).(9) Theo lệ định về đường thủy đường bộ thời Đàng Trong (tháng 9/Nhâm Tý [1672]) thì từ Huế ra Bắc, đường thủy được chia thành 16 bến trạm, trong đó ở vùng Huế, độ nhất khởi đầu từ Bao Vinh đến Vân Quật, độ nhì đến Cương Gián, độ ba đến Tam Giang và độ bốn đến Vân Trình. Tiếp tục ra đến bến cuối cùng ở Hồ Xá (Quảng Trị) thì lại tiếp tục lên bờ đi theo đường bộ.(10) Tháng 3/Quý Dậu [1813], vua Gia Long cho đổi cửa Eo thành cửa Thuận An và xây đài Trấn Hải bởi đó là nơi trọng yếu của hải cương. Phát xuất từ vị trí, đặc điểm địa lý mà nơi đây dân gian thường gọi là cửa Eo để chỉ là nơi nông hẹp khó đi.(11) Cửa Tư Dung ở phía Nam cạn dần thì đến thời Nguyễn, vai trò vận tải và quốc phòng của cửa Eo càng trở nên xung yếu nên mới cho đổi tên, với khát vọng “buồm gió thuận lợi, muôn thuở nhờ ơn”. Về phía ngoài biển, do nguy cơ sóng vỗ gây xói mòn nên cho đóng cọc xây kè để chống sóng biển, giao cho binh lính triều đình và dân phu trong vùng đóng vai trò phụ lũy, được miễn thuế thân, hằng năm cấp cho gạo lương.(12) Tháng 7/Tân Tỵ [1821], vua Minh Mệnh cho đặt tên phá Tam Giang là Tam Giang hải nhi, phá Hà Trung là Hà Trung hải nhi.(13) Năm Minh Mạng 11 (1830), triều đình đổi tên nhiều thủy danh: đầm vịnh Đồng thành đầm Bác Vọng, đầm vịnh Niễu – đầm Hà Lạc, đầm vịnh Cọc – An Xuân, đầm vịnh Sịa – An Gia, đầm La Bích – Thanh Lam, vịnh Hà Ông – Mỹ Á.

Dấu ấn văn hóa làng xã tiếp cận, khai thác vùng sông nước Tam Giang

Trong lịch sử văn hóa vùng Huế, người Việt di cư nhanh chóng tiếp quản các lưu vực sông vốn thuận lợi cho nghề nông, như sông Ô Lâu, Sông Bồ và Sông Hương. Do ít tiềm năng nông nghiệp nên các cộng đồng làng xã tiếp tục đi ngược về phía tây để khai phá vùng lâm lộc miền rừng núi, và xuôi về chiếm lĩnh vùng đồng bằng chua mặn, cồn cát ven đầm phá, ven biển – tiếp cận miền sông nước Tam Giang. Buổi đầu, người Việt khai thác vùng đồng bằng trung du nên mới có danh xưng Đan Điền (ruộng màu đỏ) bởi họ rất Sợ phá Tam Giang vốn nhiều sình lầy, chua mặn, thủy tai và thủy – hải tặc. Về sau, phá Tam Giang cạn dần nên dẫn đến việc tiếp cận miền sông nước để tụ cư canh tác lập làng, nổi bật như Sịa và Quảng Điền, từ năm 1570. (14) Quá trình cạn dần, chiếm lĩnh vùng sông nước Tam Giang – Hà Trung ở các huyện Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc… diễn ra muộn hơn về sau. Đó là nét đại cương tạo nên tinh thần cốt lõi, tạo diện mạo và sức sống đặc trưng trong lịch sử và văn hóa vùng sông nước đầm phá ở Thừa Thiên Huế.

4.1. Những làng xã nông nghiệp

4.1.1. Trường hợp Phúc Kinh (nay đổi thành Phú Kinh, thuộc xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nằm về phía thượng nguồn phá Tam Giang. Làng được kiến tạo từ một vùng thủy châu – cù lao nhờ phù sa bồi tụ lâu dài, ở vùng hạ lưu Ô Lâu, trước khi đổ vào phá Tam Giang. Yếu tố sông nước nổi trội nên suốt chiều dài lịch sử lập làng, nông – ngư nghiệp đều đóng vai trò quan trọng.(15)

4.1.2. Trường hợp Ma Nê (nay thuộc xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) rất tiêu biểu cho việc các cộng đồng nông dân tiếp cận vùng bãi bồi, ô biền chua mặn dọc vùng ven bờ phá để làm ruộng, từ thế kỷ XV. Bản Khoáng cấp thủy phù hoang lậu điền sự hồi thế kỷ XV của làng Đa Cảm nhấn mạnh tình trạng “hương nhân đa, điền thiểu” (dân đông, ruộng ít). Tháng 12/Đại Hòa 7 (1449), xã trưởng xã Đa Cảm (huyện Trà kệ, Châu Hóa, lộ Thuận Hóa) là Lê Cạnh, cùng 23 người có đơn trình: đất đai làng xã nhỏ hẹp, người đông ruộng ít, biết được trong huyện có số đất hoang bãi lậu nổi đã thành ruộng nhưng không có người cày cấy, xin lập tờ trình khẩn thành thục canh tác và nộp thuế. Huyện quan chấp thuận cho đến khai canh khẩn ruộng tại xứ đồng Ma Nê, tứ phía tổng cộng hơn 100 mẫu. Đến tháng 8/1451, lại có đơn trình báo huyện quan về khám đạt để thiết lập phân định mốc giới, diện tích lên đến 100 mẫu 7 sào 8 thước 2 tấc. Đáng chú ý, xứ Ma Nê có phía bắc giáp Đại Giang, phía nam giáp Phá/Bể Thu và một số làng xã sớm ở xã Đàm Bổng (sau thành Ưu Đàm/Ưu Điềm), xã An Triền (Vĩnh An).(16) Như vậy, từ giữa thế kỷ XVI, chỉ trong khoảng thời gian ngắn chưa đầy 2 năm mà ở vùng thượng nguồn phá Tam Giang, sự bồi lắng tự nhiên đã diễn ra rất mạnh mẽ, với tốc độ lớn, dẫn đến thành tựu cộng đồng cư dân làng xã đã canh tác thành thục ở xứ Ma Nê một diện tích lên đến hơn 100 mẫu ruộng đất.

supphatamgiang121

4.1.3. Trường hợp Vu Lai (Lai Trung – Quảng Vinh) – Phong Lai (Quảng Thái) Trong Ô châu cận lục (1553 – 1555) có ghi nhận xã Hoài Lai, sau đổi thành Vu Lai (nơi rậm rạp nhiều cỏ dại mọc lẫn trong lúa) ở lưu vực sông Bồ. Đến thời chúa Nguyễn, cộng đồng làng xã nhanh chóng khai phá về phía tây (vùng lâm lộc) và xứ cồn cát, đồng bằng chua mặn ở phía đông. Làng Vu Lai có ba giáp: Lai Trung, Lai Thượng, Lai Hạ và phường Trúc đăng Hà Bạc (ngư dân).

Về sau, giáp Lai Thượng biệt thành Vu Lai Thượng xã, đổi ra xã Lai Thành (năm Thiệu Trị thứ nhất – 1847). Đến thời Minh Mạng (1820 – 1840), giáp Lai Hạ biệt đinh thành xã Phong Lai, gắn liền công lao khai phá của Thất tộc (Văn, Phạm, Trần, Hoàng, Hồ, Lê, Nguyễn), ở một vùng đất mới miền sông nước: Thủy Nịu.(17) Quá trình mở rộng diện tích canh tác ruộng đất từ mặt nước phá Tam Giang được ghi nhận từ sớm. Một văn bản thời Gia Long (1806) định cho phường Hà Bạc được làm đơn lĩnh thầu thường niên đầm Niễu (Nịu), cùng đầm Sản cho phường Trung Hòa, giá 1.000 quan. Tuy nhiên, chỉ đến thời Tự Đức thì làng xã được triều đình “chuẩn y đầm Hà Lạc ngày càng nông cạn, trong đó hiện thành ruộng thu thuế linh 194 mẫu, về phải nộp thuế lệ là 703 quan, liệu giảm 203 quan, còn 500 quan vẫn chiếu lệ trưng thu”.(18) Đáng chú ý, ở đây đã có sự phân công lao động – nghề nghiệp rất rõ ràng giữa người nông dân Phong Lai (trồng lúa, khoai, thuốc lá) và ngư dân cận cư khai thác nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang (Lai Hà, Làng Tròong/Trung Làng).(19)

4.1.4. Một số trường hợp khác

– Thủy Lập là một trường hợp tiêu biểu trên dải đất cát nội đồng ven bờ phá Tam Giang ở xã Quảng Lợi. Từ làng gốc Bao La ở lưu vực sông Bồ (xã Quảng Vinh), cư dân làng xã đi về phía đông, lập nên cộng đồng mới Bao La thủy lập phường – bộ phận mới ở vùng sông nước. Về sau, với ý thức “biệt” để độc lập tự chủ, người ta gạt bỏ các yếu tố Bao La, phường, chỉ giữ lại Thủy Lập (tính từ, thành danh từ). Cũng trên địa bàn làng Thủy Lập, có xóm thuần nông Mỹ Thạnh ở sát Cồn Tộc (vùng Sịa, tổng Khuông Phò).

Về sau, nơi đây có sự tụ cư của nhóm ngư dân, làm nên xóm tân lập Ngư Mỹ Thạnh, rồi dần định cư theo chính sách của nhà nước. Đáng chú ý là Ngư Mỹ Thạnh từ năm 2017 đến nay, đã có Công ty Du lịch Đại Bàng đầu tư khai thác, với nhiều loại hình du lịch dịch vụ gắn liền môi trường sông nước đặc trưng. Từ đây, gắn kết với tổ hợp dịch vụ Cồn Tộc của huyện Quảng Điền, trở thành một địa chỉ hấp dẫn để khai thác du lịch sông nước Tam Giang mang nhiều giá trị riêng có.

– Thủ Lễ: Hòm bộ làng Thủ Lễ (Quảng Điền) còn lưu giữ một tờ trình từ đầu thế kỷ XIX cho biết: chằm Nam của đầm Vịnh Sịa “dần khô cạn” nên 6 xã có đơn xin trưng, chia làm 6 phần, về sau (trong 2 năm: Ất Hợi 1815 – Đinh Sửu 1817) “xin thọ nộp quan thuế theo ruộng công loại mùa thu” với hơn 28 mẫu 7 sào (Ngô Thời Đôn dịch). Ghi nhận từ kết quả điền dã cho thấy đây chính là vùng tự điền chung của Lục tộc thuộc tổng Khuông Phò, tựa như vùng Thất tộc ở Phong Lai.

4.2. Những làng xã ngư nghiệp

4.2.1. Trường hợp Vân Trình (Phong Bình) và Hòa Xuân (Phong Chương, Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Làng Vân Trình được hình thành khá sớm, cũng trong bối cảnh một làng thủy châu như Phúc Kinh, có điều đây là một cộng đồng ngư dân, tục danh làng Rào, là làng sông nước, chuyên nghề đánh cá trên sông. Vị thủy tổ họ trần làng Vân Trình là một trong 6 anh em họ Trần khai canh làng Phò Trạch. Theo gia phả dòng họ Trần Đức làng Phò Trạch và gia phả họ Trần làng Vân Trình thì ba ngài Trần Cao, Trần Bì, Trần Cơ khai canh làng Phò Trạch; một ngài đến khai canh làng Siêu Quần (làng Cồn); ngài Trần Từ đến khai canh làng Vân Trình (thời Hậu Lê). (20) Gắn liền quá trình bồi lắng, cạn dần của phá Tam Giang thì từ những năm 1980 đến nay, tỷ trọng nông nghiệp đã dần tăng cao, chủ đạo so với ngư nghiệp và hiện nay, Vân Trình là một ngôi làng thuần nông. Đi về phía nam, ở vùng Bàu Ngược của phá Tam Giang, tương tự là trường hợp làng Hòa Xuân. Đến cuối thời Nguyễn, đây là một làng thuần ngư, không có ruộng đất nông nghiệp, chỉ sống bằng nghề chài lưới trên sông, trên phá Tam Giang: “Năm xã ấp ở ven biển là Trung Đồng, Mỹ Hoà, An Lộc, Cương Gián Đông, Cương Gián Tây ở trên vùng cát trắng, không có ruộng đất, chỉ có nghề xuống biển đánh cá mà thôi. Dân ấp Hoà Xuân thì ruộng đất chẳng được là bao, cũng chỉ ngồi thuyền lênh đênh trên sông nước đánh cá kiếm sống…”.(21) Đáng tiếc là chúng tôi chưa có đủ tài liệu để làm rõ nguồn gốc cư dân, đặc điểm nghề nghiệp, đặc trưng kinh tế – văn hóa của ngôi làng này. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, Hòa Xuân cũng đã trở thành một ngôi làng thuần nông, nhất là từ sau phong trào hợp tác hóa nông nghiệp những năm 1970 – 1980.

supphatamgiang3

4.2.2. Trường hợp Lai Hà, Trung Làng (Quảng Thái, Quảng Điền).

Tiếp cận miền sông nước Tam Giang, người dân Phong Lai có hai phương thức khác biệt, là nông nghiệp và ngư nghiệp. Trong các vị Khai canh lập làng có ngài Câu kê Lê Đình Nhiêu, ngài Nguyễn Phúc Làng Bổn thổ Khai canh Gia Quảng xứ và Khai khẩn thủy diện Tam Giang xứ, lập nên phường Trúc đăng Hà Bạc (chuyên nghề nò sáo tre trên mặt nước), sau trở thành phường, rồi ấp, và thời Đồng Khánh, thành xã Lai Hà.

Có thể thấy sự phân chia địa bàn quản lý mặt nước phá Tam Giang của các cộng đồng cư dân làng xã nơi đây rất chặt chẽ. Một vụ tranh chấp quyền quản lý mặt nước đầu thế kỷ XX đã diễn ra giữa làng Phong Lai với làng Thế Chí (phía đông), với Hòa Xuân (phía bắc) và Hà Lạc (phía nam), được huyện quan phân xử thấu tình đạt lý: “Thâm dã Lai Hà tác nghệ, thiển dã Thế Chí canh điền”, rồi “Phong Lai thượng, Phong Lai hạ, thượng hạ Phong Lai; Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, đông tây Thế Chí, thượng chí Hà Bạc, hạ chí Hà Lạc, thâm dã vi đầm Lai Hà, Thế Chí quản trị vi ngư, thiển dã vi điền Ngũ giáp đồng công khẩn tự”.(22) Theo đó, trong vùng tranh chấp, nơi cạn thì giao cho Thế Chí làm ruộng, nơi sâu thuộc làng Lai Hà làm ngư. Ở cạnh Lai Hà về phía nam còn có cộng đồng ngư dân nữa là thôn Trung Làng, được được thành lập từ đầu thế kỷ XX, với nhiều bộ phận dân cư cấu thành, từ ấp Lai Hà, Hà Xuân xuống, từ An Gia, Kim Đôi (Quảng Điền), Hà Trung (Phú Vang) lên. Tuy nhiên, tất cả đều là cư dân sông nước, sống trôi nổi trên phá Tam Giang và quá trình định cư trên bộ chỉ mới thực sự bắt đầu từ những năm 1960 – 1970, ở vùng gần cửa sông Nịu. Ngoài ra, còn có cách giải thích tên gọi Trung Làng rất nhân văn để xóa nhòa ranh giới nông – ngư nặng nề, đó là làng của những người ở tròong [ghe thuyền] – Làng Tròong, sau đọc trại, chuyển hoá thành Trung Làng.(23) Lai Hà và Trung Làng hiện nay chủ yếu đều làm nông, riêng ở Trung Làng nhờ kinh nghiệm đánh bắt cá nên đã phát triển nghề nuôi tôm, cá trên đầm phá.

4.2.3. Trường hợp Bác Vọng (xã Quảng Phú) và hai cộng đồng mới Hà Đồ (xã Quảng Phước), Hà Lạc (xã Quảng Lợi).

Làng Bác Vọng được thành lập từ sớm, về sau phân định thành hai  giáp Bác Vọng Đông và Bác Vọng Tây.(24) Từ đó, làng xã tiếp tục đi về miền sông nước, chính thức hóa và thiêng hóa qua việc khẳng định công lao phò giá chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang của Bà Tơ. Chúa Nguyễn ban thưởng cho làng Bác Vọng được quyền khai thác một phần mặt nước phá Tam Giang, để rồi hình thành nên các ấp Hà Đồ, Hà Lạc. Nghi lễ cúng tế Bà, đến nay vẫn được duy trì tại Miếu Bà Tơ ở làng Bác Vọng và làng Hà Đồ, vào các dịp Minh niên (11 – 12/ giêng) và húy nhật (18/5ÂL), có lễ hội cầu ngư và đua trãi ở trên sông Bồ và phá Tam Giang. Để phân định địa bàn từ sự ban thưởng đó, có giai thoại gắn liền hai thổ sản: Trước sự chứng kiến của triều đình và các làng xã cận cư, người ta thả quả bưởi/vỏ bưởi hay bã mía, từ sông Bồ ở làng Bác Vọng, cho trôi theo dòng nước, dạt vào bờ ở đâu thì nơi đó sẽ là giới hạn xa nhất của làng Bác Vọng. Nhờ đó, làng được quyền canh phá và khai thác từ vùng đầm Hà Lạc (xã Quảng Lợi) đến vùng “Trộ Bã Mía” ở giữa phá Tam Giang (thôn Mai Dương, Quảng Phước).(25)

4.3. Làng xã phi nông, phi ngư:

Thuỷ diện thế vi điền ([coi như] lấy mặt nước làm ruộng) của làng Thuỷ Tú (Hương Phong, Hương Trà) Thuỷ Tú là một làng định cư từ rất sớm nhưng chỉ có thổ cư và đặc biệt, được quyền khai thác một vùng rộng lớn mặt nước sông Hương – phá Tam Giang, nhờ vào một đặc ân thời chúa Nguyễn. Làng nằm ở ngã ba Sình, đối diện làng Sình qua sông Hương, đối diện làng Thanh Phước qua sông Bồ ở góc hợp lưu sông Hương. Ngôi làng được ra đời khi Huế là thủ phủ, kinh đô, với nét đặc thù: không có ruộng đất nông nghiệp, không có nghề nghiệp cụ thể.

Ngài Khai canh Lê Đại lang (Văn Búa) là một vị tướng có công phò giá các chúa Nguyễn, được ban thưởng dải đất hẹp cuối làng Triều Sơn làm thổ cư, từ đó làng được quyền thu thuế đánh bắt thủy sản vùng mặt nước sông Hương – phá Tam Giang làm sinh kế: “Từ sơn đầu chí hải khẩu, thượng Bình Trị hạ chí Can Lô, thủy diện thế vi điền” (từ tuần ở phía núi về đến cửa biển, từ Bình Trị ở phía bắc cho đến Can Lô ở phía nam). Các nguồn tư liệu xưa cho biết làng từng quản lý nhiều sở sáo và sở nghề hớn, gọi là “khẩu để” cùng nhiều điểm nhỏ khác, tổ chức đấu giá hằng năm. Đội tuần đinh được tổ chức theo phiên, thu thuế mỗi năm hai kỳ. Lợi tức thu thuế, trừ các khoản chi phí hành chính, được chia theo đầu suất đinh (trai từ 18 tuổi, về sau có điều chỉnh người già và phụ nữ được tính nửa suất đinh). Có lẽ bởi nguồn lợi lớn từ thuế, nên cư dân không có nghề nghiệp nào khác, và gần như chỉ quen nghề “đánh bạc”.

Ông Lê Văn Chim, trưởng tộc, còn cho biết, thậm chí những năm 1980, dân làng mới dần quen với việc làm ruộng, học nghề hay buôn bán. Ngày trước, người ta “đánh bạc” quanh năm, và đặc biệt là trong ngày hội làng mồng 9-10/ Chạp. Có khi dân làng tập trung chơi, còn n các nơi tới bán hàng trên bến, dưới thuyền. Dấu tích đó còn được ghi nhận qua giai thoại dân gian về canh bạc lịch sử mà một lý trưởng khi thua còn cầm cố cả ấn triện nên về sau, mỗi xuân kỳ thu tế, “làng thua” phải mang trầu rượu sang làm lễ.(26)

Hiện nay, ở làng Thuỷ Tú vẫn còn lưu giữ nhiều văn bản quan trọng, làm nổi bật tính chất “thuỷ diện thế vi điền” có một không hai ở Huế. Bản văn tế cho biết tường tận các vị khai canh của làng.(27) Châu bộ thời Gia Long nhấn mạnh công lao đặc biệt của tiền nhân: “…do Tiên nhân tổ phụ đời trước của làng chúng tôi có công lao giúp rập phò vua vào khai quốc tại xứ Thuận Hoá. Sau công cuộc khai quốc, làng chúng tôi được ban cấp cho quyền được lấy mặt nước thế ruộng (thuỷ diện thế vi điền), ranh giới như sau: Phía trên từ làng Bình Trị, phía dưới đến xứ Can Lô; phía đông gần biển, phía tây gần núi; phía nam giáp ruộng làng Thanh Lam, phía bắc giáp xứ đất Cồn Nôm…”.

Trong giới hạn mặt nước được khoanh vùng, hằng năm làng cho thuê đóng các sở sáo, sở nghề hớn; còn lại cho thuê làm tiểu nghệ (lưới, câu, te-xẻo [?])v.v… Nguồn thu, một phần nạp quốc thuế thường niên 449quan; còn lại “thì làng chúng tôi hội đồng quân cấp lương điền khẩu phần cho toàn dân và chi tiêu việc công của làng”. Do vậy, đời sống kinh tế của làng đều “nhờ mặt nước ấy mà sinh sống, vì ngoài mặt nước ấy, dân làng chúng tôi không có ruộng đất gì cả và cũng hưởng thụ mặt nước trên này như nguyên tắc ruộng đất có trưng khẩn của các làng khác”. Thời Gia Long, hạng nhất “thuỷ diện” gồm các sở sáo, các nghề hớn và xứ nước Vịnh Xưởng, tổng cộng 33 sở, nộp thuế 449quan. Các sở “ngư nghệ” cũng được phân định theo từng cấp độ, có định vị rõ ràng, với cả thông tin “tứ cận” tương tự địa bộ của các làng xã nông nghiệp, bao gồm: 20 sở sáo chánh, thuế 404quan (4 sở hạng Nhất, 10 sở hạng Nhì, 6 sở  hạng Ba); 12 sở nghề hớn, thuế 40 quan (2 sở hạng Nhất, 4 sở hạng Nhì, 6 sở hạng Ba); 1 xứ nước Vịnh Xưởng, thuế 5quan… Quá trình cạn dần của phá Tam Giang cũng ảnh hưởng lớn đến sinh nghệ của làng. Từ thời Gia Long, Minh Mạng, đã có hiện tượng nước cạn, 12 sở sáo không thể trưng khẩn, được chiết trừ ngạch thuế, chuyển cho các làng xã cận cư làm nông.(28)

Vấn đề nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm đầm phá Tam Giang và nhu cầu hình thành một bảo tàng sông nước

Từ những kết quả khảo sát đó, có thể thấy ban đầu đã xuất hiện các làng ngư nghiệp và do điều kiện tự nhiên biến đổi, họ đã có phương thức thích ứng phù hợp, trở thành nông dân như ở làng Vân Trình, Hòa Xuân, Lai Hà, Trung Làng, Hà Lạc… Đó là dấu ấn biển cạn đậm nét và từ đó, cũng cần chú ý đến khía cạnh ngư nghiệp hóa các cộng đồng nông dân, khi kinh tế thủy hải sản lên ngôi,(29) tác động tích cực đến sự dịch chuyển cán cân nông – ngư vốn rất nghiệt ngã.(30) Đặc biệt những năm 1986 – 1989, mô hình nuôi tôm của Sở Thủy sản Bình Trị Thiên do ông giám đốc Phan Thế Phương khởi xướng, thí điểm ở thôn 14 xã Quảng Công (Quảng Điền) đã mở đầu cho xu hướng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang ngày càng ồ ạt.(31) Sự xuất hiện ngày càng phổ biến, với qui mô lớn của các phương tiện đánh bắt hủy diệt, tác động tiêu cực của những con đập (đập Cửa Lác, đập Thảo Long, các chương trình thủy điện phía thượng nguồn…) càng làm cho môi trường, nguồn lợi đầm phá thêm ô nhiễm, cạn kiệt.

Đến đầu năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phải có quyết định giải tỏa đến 300ha ao nuôi hạ triều nơi đây để đảm bảo diện tích hợp lý và môi trường trong sạch theo hướng phát triển bền vững.(32) Môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, tài nguyên thủy sản cạn kiệt… là những dấu hiệu chỉ báo dễ nhận ra, dễ được các ngành quản lý, chính quyền địa phương quan tâm. Tuy nhiên, gắn liền quá trình “phá Tam Giang ngày rày đã cạn” suốt hàng trăm năm qua, là sự mất mát khó nhận ra của nhiều di sản văn hóa của các cộng đồng nông dân, ngư dân sông nước Tam Giang. Mô hình một bảo tàng sông nước Tam Giang do vậy rất cấp thiết, để lưu giữ, từng bước tái hiện không gian văn hóa sông nước Tam Giang. Trong đó, chú trọng vào các khía cạnh:

Văn hóa vật thể: phương tiện cư trú (ghe thuyền, nhà chồ), ngư lưới cụ, các phương tiện đánh bắt, phương tiện sinh hoạt…

Văn hóa phi vật thể: Đời sống lễ nghi cộng đồng, nghi lễ đời người; di sản nghệ thuật diễn xướng dân gian; tri thức bản địa trong sản xuất và sinh hoạt, quan hệ xã hội; di sản ngành nghề thủ công truyền thống…(33)

Quản lý và khai thác môi trường sông nước đầm phá Tam Giang dựa vào cộng đồng trên các phương diện: tri thức bản địa, hương ước lệ làng… đảm bảo nguyên tắc kế thừa và phát huy theo hướng bền vững, là phương thức hữu hiệu.(34) Đáng tiếc là sự can thiệp của con người thời hiện đại vào môi trường đầm phá Tam Giang càng làm cho nơi đây càng “cạn dần” trên nhiều phương diện: mực nước, tài nguyên, lẫn di sản văn hóa. Huế và cả các tỉnh miền Trung vẫn chưa được quan tâm đúng mức vấn đề này, vẫn chưa có một bảo tàng sông nước là khiếm khuyết lớn cần khắc phục.

Xem thêm: 

Khám Phá Di Sản tổng hợp



Comments