Tài liệu thuyết minh du lịch Huế – Đàn Nam Giao, đàn tế Trời duy nhất còn nguyên vẹn ở Việt Nam
Đàn Nam Giao – Các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng đều sử dụng hệ tư tưởng Nho giáo để cai trị đất nước. Với hệ tư tưởng này, hầu như các triều đại đều cho xây dựng đàn tế Trời. Triều đình nhà Nguyễn đã định ra quy chế xây dựng đàn miếu và việc tế lễ thờ tự. Hàng năm triều đình đã cho tổ chức rất nhiều cuộc lễ lớn và được sắp xếp theo trình tự: Đại Tự, Trung Tự và Quần Tự. Trong đó quan trọng nhất là Đạị Tự, tương đương là quốc lễ. Đại Tự bao gồm: (thứ nhất tế Trời, thứ hai tế Miếu, thứ ba tế Xã Tắc).
VỊ TRÍ ĐÀN NAM GIAO
Đàn Nam Giao nằm trên trục chính Nam của Kinh thành, cách Kỳ đài khoảng 03km. Đàn Nam Giao có nghĩa ( đàn tế nằm ở ngoại ô quay về phía Nam). Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), đàn tế Trời được lập ở một khoảng đất rộng thuộc làng Kim Long gần nơi chúa đóng thủ phủ. Đây là đàn tế đầu tiên của vương triều họ Nguyễn. Qua đến đời nhà Tây Sơn(1788- 1800), lễ tế Trời được diễn ra tại một ngọn núi có tên là Bân sơn ( ngọn núi này có ba tầng nên người dân còn gọi là núi Ba tầng). Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho tế trời ở làng An Ninh vào năm 1803. Năm 1806 đàn được dời về phía Nam của Kinh Thành ở làng Dương Xuân (nay là địa phận phường Trường An, thành phố Huế).
Đây là đàn tế Trời duy nhất còn khá nguyên vẹn ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế. Tế Nam Giao là buổi tế quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế.Theo thuyết Thiên mệnh của đạo Nho xưa, vua là con Trời (Thiên tử) nhận lệnh Trời xuống trần gian cai trị thiên hạ, cho nên chỉ có vua mới được quyền cúng tế trời đất (cha mẹ của vua), để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tạ ơn trời đất.
KIẾN TRÚC ĐÀN NAM GIAO
Đàn được khởi công xây dựng vào ngày 25 /03/1806, do Thống chế Phạm Văn Nhân chỉ huy công trình, nhân công xây dựng đàn đều là lính và thợ thuộc bộ Công và bộ Binh của triều đình. Đàn được xây dựng trên khuôn viên hình chữ nhật, với diện tích 103,350m2 ( chiều dài 390m, chiều rộng 265m). Bốn mặt khuôn viên của đàn đều có trổ cửa theo 04 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, trong đó cửa phía Nam là cửa chính. Trước mỗi cửa đều xây bình phong bằng đá, mỗi bình phong cao 3,2m. Bao quanh đàn là một vòng tường thành cao 1,6m. Đàn Nam Giao là một tổ hợp các công trình kiến trúc, trung tâm của đàn là Giao đàn.
Đàn gồm 03 tầng, xây chồng lên nhau, tượng trung cho “tam tài“: thiên, địa, nhân. Cấu tạo và kích thước của các tầng hài hòa cân đối. Cả 03 tầng đều có hệ thống bậc cấp ở 04 mặt ( Đông -Tây – Nam – Bắc). Đây là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi chính trong lễ tế Giao. – Tầng trên cùng hình tròn (gọi là Viên Đàn), tượng trưng cho Trời, xung quanh có lan can xây gạch cao hơn 0,8m, dày 0,3m, được quét vôi màu xanh. Trên nền Viên Đàn có chôn sẵn 28 phiến đá Thanh được khoét lỗ tròn. Đến kỳ tế lễ, những lỗ này được dùng để cắm cột dựng lều vải màu xanh hình nón, gọi là Thanh Ốc.
Tầng đàn này là nơi hợp tế Ngọc Hoàng Thượng đế (Trời) và Hoàng Địa Kỳ (Đất).
– Tầng thứ hai hình vuông (gọi là Phương Đàn), tượng trưng cho Đất, chung quanh lan can xây gạch cao 0,9m, quét vôi màu vàng. Ở mặt phía nam có đặt sẵn 4 hàng đá tảng khoét lỗ để dựng Hoàng ốc (vải màu vàng) khi tế lễ. Tầng này là nơi tế thần Mặt Trời, Mặt Trăng, Tinh Tú, Mây, Mưa, Gió, Sấm, Núi, Biển, Sông, Đầm Phá…
-Tầng dưới cùng cũng có hình vuông, xung quanh có lan can xây gạch cao 0,48m, quét vôi màu đỏ, tượng trưng cho con người. Ở góc Đông Nam đàn có xây một cái bệ gọi là lò“ phần sài”, nơi đốt con sinh để tế. Ở góc Tây Bắc đào một cái lỗ để chôn lòng và huyết của con sinh, gọi là huyệt “ế mao huyết”. Trai Cung là một tổng thể kiến trúc khép kín nằm ở góc Tây – Nam của khuôn viên đàn Nam Giao, là nơi nhà vua trai giới thanh tịnh trước khi hành lễ, nhà Trai Cung được bố trí theo thế “tọa Bắc hướng Nam”, gồm có chính điện, nhà Tả túc, Hữu túc, phòng Thượng trà, sở Thượng thiện…
Ngoài ra ở phía Đông Bắc của khuôn viên Giao đàn còn có Thần Trù (là nhà bếp để sửa soạn đồ vật tế lễ), Thần Khố là nhà kho để đồ tế khí). Cạnh đó còn có nhà Quan cư (nơi dành cho các quan lại nghỉ ngơi trước khi theo nhà vua làm lễ), nhà Khoản tiếp (nơi đón tiếp quan khách đến dự lễ). Xung quanh khuôn viên đàn Nam Giao, nhà Nguyễn còn cho trồng rất nhiều thông, loài cây tượng trưng cho khí phách người “quân tử”. Truyền thống này khởi nguồn từ thời vua Minh Mạng(1820-1840), nhà vua đã tự tay trồng 10 cây thông ở sân Trai Cung, đồng thời các Hoàng tử con vua cũng trồng thông xung quang đường vua ngự. Về sau các vị quan lại ở Kinh đô từ tứ phẩm trở lên và các quan địa phương về dự lễ tế Giao đều được phép trồng thông để làm kỷ niệm. Trên mỗi cây thông đều gắn một tấm biển nhỏ bằng đồng hay bằng đá khắc tên và tước vị người trồng. Chính vì điều đó đã tạo nên một rừng thông xanh rì rào bao quanh đàn tế. Trong suốt 79 năm (1807-1885), nhà Nguyễn đã tổ chức nghi thức tế Giao đều đặn vào mùa xuân hàng năm.
Đến năm Thành Thái thứ 02 (1890), triều đình định lại 03 năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Do tính chất quan trọng của buổi lễ, nên việc chuẩn bị được giao cho bộ Công và bộ Lễ tiến hành hàng tháng trước khi tế. Thông thường, sau khi Khâm Thiên Giam xem được ngày tốt , triều đình sẽ thực hiện tiếp các thủ tục kỳ cáo trời đất, lễ cáo với tiên đế, trước lễ chính thức.
Trước khi tế Giao, nhà vua phải trai giới trong ba ngày, trong thời gian đó, vua phải ăn chay, tịnh tâm để hướng đến những suy nghĩ trong sáng và một lòng thành kính đối với Trời và Đất. Đồng thời vua đích thân ban hành những chiếu dụ thông báo cho dân chúng ,tri ân cho các quan và cho phép giảm án tù. Những con vật được đem ra cúng trong dịp này là các con sinh ( hay còn gọi là con sanh ), đó là trâu, heo, dê. Hàng chục con được vỗ béo từ trước bằng những thức ăn tinh sạch. Dọc đường từ Đại Nội đến Giao Đàn, dân chúng phải kết cổng chào, lập hương án đón chào đoàn Ngự đạo của nhà vua đi qua (gồm: Tiền đạo , Trung đạo và Hậu đạo). Đoàn Ngự đạo của nhà vua sẽ đi ra từ Ngọ Môn, vượt sông Hương qua cầu phao bằng thuyền (khi chưa có cầu Trường Tiền), đến Nam Giao bằng con đường mà trước đây gọi là “Nam Giao cựu lộ“ là đường Phan Bội Châu và “Nam Giao tân lộ” tức là đường Điện Biên Phủ ngày nay. Cuộc lễ chính thức bắt đầu từ lúc 02h sáng, vua mặc trang phục của đại lễ gồm : long cổn, mũ triện, tay cầm hốt trấn khuê bằng ngọc lên Giao đàn. Các nghi thức lần lượt được diễn ra vô cùng trang nghiêm trong khói hương, lễ phẩm, cùng âm nhạc (chuông, trống, chiêng, khánh, tù và, nhị sáo …), 128 vũ công múa Bát Dật, các ca công hát 09 khúc nhạc tế trong 09 giai đoạn khác nhau của cuộc lễ. Sau gần 03 tiếng đông hồ, buổi lễ mới kết thúc.
Lễ Tế Giao đầu tiên của triều Nguyễn được tổ chức vào năm 1807 dưới thời vua Gia Long và cuộc lễ cuối cùng được tổ chức vào rạng sáng ngày 23/03/1945 dưới thời vua Bảo Đại, đúng 05 tháng trước khi nền quân chủ nhà Nguyễn cáo chung ngày 30/08/1945.
Đàn Nam Giao trở thành một di tích lịch sử quan trọng trong cụm di tích của triều Nguyễn và được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Huế năm 2004, lần đầu tiên sau gần 60 năm vắng bóng, lễ tế Nam Giao ở đàn Nam Giao đã được phục dựng và tiếp tục được tái hiện trong các dịp Festival Huế tiếp theo.
Khám Phá Di Sản tổng hợp
Comments
Post a Comment