[Nam Định] Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện

Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện, gồm Chùa Keo trong (Thần Quang tự), Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự), thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Chùa Keo Hành Thiện thờ “tiền Phật, hậu Thánh”, ngoài thờ Phật còn thờ Đức Thánh tổ – Thiền sư Dương Không Lộ. Theo tài liệu ghi chép, Đức Thánh tổ Dương Không Lộ, huý là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ, quê cha ở làng Giao Thuỷ, phủ Hải Thanh (Nam Định), quê mẹ ở phủ Ninh Giang (Hải Dương). Dương Không Lộ là nhân vật lịch sử có công lớn đối với vương triều Lý, được vua Lý phong làm Quốc sư kiêm Đại pháp sư. Dân làng Hành Thiện thờ phụng Ngài là vị Phúc thần – Thành hoàng tối linh, người con của quê hương, người có công lao khai sáng và tạo lập ra chùa Keo Hành Thiện và làng Hành Thiện.

chuakeohanhthien

1. Chùa Keo trong (Thần Quang tự): ban đầu có tên là chùa Nghiêm Quang, sau đổi là chùa Thần Quang. Theo các nguồn tài lệu và truyền thuyết dân gian thì Dương Không Lộ cho xây dựng chùa Nghiêm Quang vào năm Tân Sửu (1061), đời vua Lý Thánh Tông. Sau khi dựng xong, Thánh tổ đã trụ trì tại đây. Chùa được xây dựng trên đất Giao Thuỷ, phủ Hải Thanh, nên về sau dân gian còn gọi theo địa danh là chùa Giao Thuỷ (có nghĩa là vùng nước ngọt và nước mặn giao nhau khi nước triều lên). Vì “Giao” có âm Nôm là “Keo” nên chùa Giao Thuỷ còn có tên là chùa Keo. Đến năm Kỷ Hợi (1119), sau khi Dương Không Lộ mất 25 năm, vua Lý Nhân Tông cho tu sửa lại chùa Nghiêm Quang, cắt 3.000 hộ hương khói phụng sự. Tháng Ba, năm Đinh Hợi (1167), dưới đời vua Lý Anh Tông, chùa được đổi tên thành chùa Thần Quang và được ban 5 mẫu ruộng hương đăng.

Trải qua hai triều đại Lý, Trần với sự cực thịnh, huy hoàng của Phật giáo, đến năm Mậu Tý (1588) và Tân Hợi (1611), nước sông Hồng dâng cao, gây vỡ đê, lụt lội…, chùa Thần Quang (Keo) đã bị chôn vùi, sau hơn 500 năm tồn tại. Sau sự kiện đó, nhân dân vùng này phải chuyển đi hai nơi, tạo lập làng mới. Một bộ phận dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ (nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), phần chuyển đến vùng hữu ngạn sông Hồng lập nên làng Hành Cung sau đổi tên là làng Hành Thiện dưới đời vua Minh Mệnh (nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Dân hai nơi đều xây dựng một ngôi chùa mới nhưng có chung phong cách thờ tự “tiền Phật, hậu Thánh”; kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”, cùng thờ Thiền sư Dương Không Lộ và vẫn mang tên cũ là chùa Keo (Thần Quang Tự).

le hoi chua keo nam dinh

Tấm bia cổ nhất tại chùa “Tu tạo Thần Quang tự bi ký” soạn vào ngày 25 tháng Tám, niên hiệu Hoằng Định 13 (1613), đời vua Lê Minh Tông xác nhận chùa Thần Quang đã được xây dựng từ trước đó. Nội dung văn bia còn cho biết chùa là danh lam thắng cảnh trong thiên hạ, đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm Mậu Thìn (1628), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, đời vua Lê Thần Tông, chùa được tu sửa và mở rộng quy mô. Đến năm Tân Hợi (1671), niên hiệu Cảnh Trị thứ 9, đời vua Lê Huyền Tông, chùa được đại tu lại và dấu vết kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII vẫn lưu giữ đền Thánh và Tam quan nội kiêm gác chuông. Năm 1685, đời vua Lê Hy Tông, chùa được tu sửa nhỏ. Năm Nhâm Ngọ (1702), niên hiệu Chính Hòa thứ 23, đời vua Lê Hy Tông, chùa tiếp tục được tu sửa, đúc tượng Đức Thánh tổ Dương Không Lộ.

Sang thế kỷ XIX, chùa Thần Quang tiếp tục được trùng tu, đúc chuông khánh, bổ sung thêm tượng, kiệu và những đồ thờ tự khác. Năm 1929, Trường Viễn Đông bác cổ đã tiến hành tu sửa lớn, tô tượng vì trận bão năm 1929 làm chùa bị hư hỏng nặng. Năm 1961, nhà ký đồ (phía sau đền Thánh) được đại tu, có khắc chữ ghi dấu trên xà lòng gian giữa. Năm 1971, nhà tổ được trùng tu. Năm 1992, xây dựng nhà khách. Năm 1997 trùng tu đền Thánh và hành lang. Năm 1998, dân làng xây nhà trải. Năm 1999, xây cổng và tường bao khu vực vườn cảnh phía trước chùa. Năm 2003, dân làng tiến hành tu sửa đền Thánh…

chua keo thai binh

Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 1ha tại làng Hành Thiện, quay hướng Nam, xung quanh có sông bao bọc; là một tổng thể phức hợp của các đơn nguyên kiến trúc phân bổ theo một trật tự nhất định trên một khuôn viên hình chữ Nhật kiểu “nội công, ngoại quốc”; mặt bằng các công trình được cân đối theo một trục dọc – đường thần đạo, bao gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội kiêm gác chuông, phủ Mẫu, hành lang, chùa Phật, đền Thánh, nhà ký đồ, nhà Tổ, nhà oản, nhà bếp…

Tam quan ngoại: xây kiểu tường hồi bít đốc, dài 7,60m, rộng 6,90m, cao 5,60m, gồm 3 gian: gian giữa rộng 3,30m, hai gian bên rộng 2,15m. Bộ khung chịu lực của tam quan được kết cấu với 4 bộ vì kiểu 3 hàng chân cột; kết cấu vì gỗ được liên kết bởi các trụ, xà, con rường, bẩy hiên, phía trên là hệ thống hoành, rui gỗ, mái lợp ngói di nhỏ. Căn cứ vào phong cách xây dựng và đặc biệt là dòng chữ Hán khắc trên cấu kiện xà lòng, có thể khẳng định, Tam quan được xây dựng lại vào đầu thế kỷ XX.

Tam quan nội kiêm gác chuông: được xây sát đường đi, gần hồ nước, mặt bằng hình chữ Nhật, dài 12m, rộng 6,55m, gồm 5 gian (3 gian 2 chái), 2 tầng, 2 lớp mái (8 mái) theo kiểu chồng diêm. Kết cấu khung gồm 6 bộ vì kiểu 4 hàng chân với 8 cột cái (đường kính 54cm) và 16 cột quân (đường kính 35cm). Trên các cấu kiện gỗ được trang trí các đề tài mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Đề tài rồng là chủ đạo, được trang trí tại các đầu dư với nghệ thuật chạm bong kênh. Đề tài hoa sen ở diềm tầng mái trên, chạm nổi kết hợp với hình tượng cúc mãn khai; vân xoắn trên các thân rường và đầu bẩy.

Đây là công trình kiến trúc bảo lưu đuợc nhiều yếu tố từ thế kỷ XVII. Theo các nhà nghiên cứu về mỹ thuật kiến trúc thì Tam quan nội kiêm gác chuông mang đậm yếu tố thuần Việt và là một trong những Tam quan – Gác chuông sớm, đẹp nhất ở Việt Nam.

Chùa Phật: cách Tam quan nội một khoảng sân gạch, kết cấu theo kiểu chữ “Công” gồm 3 toà: Tiền đường 5 gian, Thiêu hương 3 gian, Thượng điện 3 gian mái cong. Chạm khắc với đề tài chủ đạo là rồng trên các cấu kiện kẻ hiên, xà nách, xà đùi, vì nách Tiền đường, lân được thể hiện trên nóc mái (vị trí đầu kìm) của tòa Thượng điện, phượng được thể hiện trên kẻ hiên và vì nách toà Tiền đường. Ngoài ra, trên các cấu kiện gỗ như đầu kẻ, bẩy, con rường… còn trang trí các đề tài vân xoắn, chữ “thọ”, đao mác, tứ linh, tứ quý…

Đền Thánh: cách tường hậu Thượng điện chùa Phật một khoảng sân rộng hơn 10m. Đền cũng kết cấu theo kiểu chữ “Công”, gồm 3 toà: Tiền đường 5 gian, Trung đường 3 gian và Hậu cung 3 gian. Với các mảng chạm khắc tinh xảo tập trung trên các mảng đố lụa, khung bạo, con rường, kẻ, bẩy của từng tòa. Đặc biệt chú ý là 3 bộ cánh cửa gồm 10 cánh ngăn cách giữa tiền đường và trung đường được chạm khắc, thể hiện 10 đề tài khác nhau. Kỹ thuật chạm gỗ bong kênh ở cả hai mặt tiền 2 gian toà tiền đường đạt tới trình độ cao. Đề tài chạm khắc ở đây phong phú: rồng, lân, hoa cúc – mặt trời, phượng, vân xoắn, sừng tê ngọc báu, tứ linh, tứ quý… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.

Nhà Ký đồ: nằm sát ngay sau đền Thánh, trước nhà Tổ, nhà oản và nhà bếp. Nhà là nơi để các đồ lễ và các vật dụng chủ yếu phục vụ cho lễ hội, có mặt bằng hình chữ Nhật, dài 7,50m, rộng 5,21m, gồm 3 gian.

Hành lang: gồm hành lang tả và hữu, đăng đối qua trục thần đạo, đối xứng hai bên chùa Phật, đền Thánh, nhà Ký đồ, mỗi dãy có 38 gian, nối liền từ Tam quan nội kiêm gác chuông, dọc theo chiều sân, nối với khu nhà Tổ, nhà oản, nhà bếp, tạo thành hệ thống tường bao bọc các công trình thành tổng thể “nội công, ngoại quốc”. Mỗi dãy hành lang dài xấp xỉ 86 m, rộng hơn 3m.

Nhà Tổ: nối vuông góc với hành lang hữu và nhà oản, nhà bếp. Cùng với nhà oản, nhà bếp. Nhà Tổ có mặt bằng hình chữ Nhật, gồm 3 gian, dài 6,30m, rộng 6,10m. Nền nhà Tổ chung một cấp với hành lang, lát gạch bát theo mạch chữ Công.

Nhà oản, nhà bếp: nối liền với nhà Tổ theo chiều ngang, gồm 3 gian, có kích thước dài 6,25m, rộng 4,15m. Nhà bếp gồm 4 gian, có kích thước dài 8,90m, rộng 4,15m.

Phủ Mẫu: nằm phía ngoài Tam quan nội kiêm gác chuông, sát cổng phía Tây, được dựng lại vào đầu thế kỷ XX. Phủ Mẫu hiện nay là sản phẩm của lần trùng tu, tôn tạo chùa Keo vào năm 2008, 2009, mặt bằng hình chữ Nhật, gồm 5 gian (3 gian 2 chái), có kích thước dài 10,70m, rộng 6,70m, bằng gỗ lim. Bộ khung được dựng trên 4 hàng cột (cột cái có đường kính 30cm, cột quân có đường kính 25cm.

Nhà khách: sát với phủ Mẫu, 5 gian, dài 11,50m, rộng 4,75m, kết cấu đơn giản theo lối tường hồi, bít đốc.

Nhà trải: nằm trong khuôn viên sân, vườn, gồm 10 gian, dài 38m, rộng 4,70m, xây theo lối tường hồi, bít đốc.

2. Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự): ngoài thờ Phật còn thờ Bồ tát Quan âm Nam Hải, được xây dựng muộn hơn so với chùa Keo trong. Theo Hành Thiện xã chí thì chùa Keo ngoài được xây dựng từ năm Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (1778). Đến triều Nguyễn, niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832), dân làng xây dựng gác chuông. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), Phó bảng Đặng Kim Toán – người làng Hành Thiện, làm Án sát Ninh Bình đã hưng công trùng tu lại chùa với quy mô lớn. Năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái 13 (1901), Tri huyện Nguyễn Ngọc Quỳnh – người làng Hành Thiện, cùng dân làng dựng thêm hai dãy hành lang. Năm Đinh Mùi, niên hiệu Duy Tân nguyên niên (1907), quan huyện Nguyễn Đôn Thi hưng công sửa cây đèn và gác chuông, đến năm Mậu Ngọ, niên hiệu Khải Định 3 (1919), ông lại hưng công làm mái cúng trước chùa và Nhà thờ Tổ.

Qua thời gian do thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá, chùa xuống cấp, từ năm 1990, dân làng Hành Thiện đã nhiều lần tiến hành trùng tu, tôn tạo: trùng tu Hành lang phía Đông (năm 1990), trùng tu Hành lang phía Tây (năm 1994), trùng tu Gác chuông, xây cổng, tường và cây đèn (năm 2000), xây kè hồ nước phía trước chùa (năm 2004)…

Chùa toạ lạc trên một khuôn viên có diện tích 1 mẫu Bắc Bộ, mặt quay về hướng Đông Bắc, với kết cấu mặt bằng kiểu “nội công, ngoại quốc”, gồm: Tam quan, Tả/hữu hành lang, Chùa chính, gác chuông và nhà Tổ, trong đó, công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao là Chùa chính và gác chuông.

Chùa chính: mặt bằng kiểu chữ Công, gồm: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Tòa Tiền đường 5 gian (3 gian 2 chái) dài 10,30m, rộng 3,80m. Bộ khung bằng gỗ lim kiểu 4 hàng chân cột, mỗi vì gồm 2 cột cái và 2 cột quân. Bao quanh công trình kiến trúc là hệ thống ván bưng, đố lụa bằng gỗ lim.

Nối tiếp với Tiền đường qua hệ thống cửa đến hai gian Thiêu hương, dài 10m, rộng 3,90m. Đây là hạng mục kiến trúc được liên kết theo dạng ống muống để nối Tiền đường với Thượng điện. Bộ khung thiêu hương có 4 hàng chân cột với các bộ vì kiểu chồng rường. Nối với Thiêu hương là Thượng điện, dài 6m, rộng 4m, chia thành 3 gian (1 gian 2 chái), kiến trúc tương tự như tòa Tiền đường.

Gác chuông: nằm về phía sau Thượng điện 1,60m, dựng trên nền đất cao hình chữ Nhật với kích thước 6,70 m, rộng 5m, được làm bằng gỗ lim, kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Phần chịu lực chính của công trình đặt vào 2 cột cái có kích thước cao 3,90m, đường kính 30cm, xung quanh có 10 cột quân, đường kính 20cm.

Trang trí tập trung vào các vị trí ở phía trên các khung đố lụa của vách thuận, cùng các cấu kiện: ngưỡng địa, ngưỡng trung, ngưỡng bát, ván bưng, đố của hệ thống cửa mặt ngoài toà tiền đường, thể hiện sinh động các đề tài: mặt trời, rồng, đao mác… mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII.

Ngoài giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan, khu di tích chùa Keo hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật thuộc các chất liệu như: gỗ, giấy, vật đá, gốm sứ, đồng… Trong số đó, có nhiều hiện vật mang giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ của nhiều giai đoạn khác, như: hệ thống tượng pháp, bia ký, sắc phong, nhang án, kiệu, chuông, khánh, hoành phi, câu đối…

Khu di tích chùa Keo Hành Thiện là một tổng thể các công trình kiến trúc có quy mô lớn, được xây dựng đăng đối, mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ XVII – XVIII. Sự tồn tại của chùa Keo góp phần minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam. Chùa Keo có giá trị kiến trúc nghệ thuật, trang trí điêu khắc cao, thể hiện bàn tay lao động cần cù và khối óc sáng tạo của những công trình sư và nghệ nhân dân gian, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Khu di tích chùa Keo Hành Thiên còn lưu giữ được nhiều giá trị di sản văn hoá phi vật thể quý giá thể hiện qua hệ thống thác bản Hán Nôm (bia ký, sắc phong, thần tích, câu đối, đại tự…), Lễ hội truyền thống, những truyền thuyết về Đức Thánh Dương Không Lộ… Đây là những nguồn tư liệu phong phú, hấp dẫn và quý báu giúp các nhà nghiên cứu khoa học lý giải và nhận diện giá trị to lớn của các di tích này đối với hệ thống di sản văn hoá của dân tộc. Hàng năm, tại chùa Keo Hành Thiện diễn ra nhiều ngày lễ liên quan đến Phật, Đức Thánh tổ, các vị thần làng, hậu thần được thờ phụng tại đây, trong đó có 2 kỳ lễ trọng diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu. Lễ hội mùa Xuân được tổ chức vào 2 dịp: tháng Giêng đối với chùa Keo trong và tháng Hai đối với Chùa Keo ngoài, với các nghi thức: dâng hương, rước kiệu, yến lão và trò chơi thổi cơm thi… Lễ hội mùa Thu được tổ chức vào trung tuần tháng Chín Âm lịch, đây là kỳ lễ hội lớn nhất trong năm để kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh tổ Dương Không Lộ. Tại lễ hội diễn ra nhiều nghi thức và trò chơi dân gian đặc sắc như: phụng nghinh, bơi trải, phục miều y, dựng phướn, rước đèn, Thánh đản, múa rối, chèo cạn, cờ tướng, cầu đu, chọi gà, làm bánh dầy…

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện, gồm Chùa Keo trong và Chùa Keo ngoài (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016./.

Khám Phá Di Sản tổng hợp

Link nguồn: https://ift.tt/3dehFB6



Comments