Ngẩn ngơ ngắm phượng vàng “tỏa nắng” trên cao nguyên Lâm Đồng
Theo các kỹ sư nông nghiệp, giống phượng này được nhập về từ Brazil và đã thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của cao nguyên Lâm Đồng. Phượng vàng cùng họ với phượng đỏ; thân, lá và hoa cũng gần giống nhưng lại nở hoa vào mùa xuân, khi nắng vàng hanh hao cùng những cơn gió se lạnh ùa về, nhiệt độ thấp hơn các tháng khác trong năm và cũng là mùa khô ở Tây Nguyên. Phượng vàng khó trồng, tỉ lệ cây sống không cao, chậm đơm hoa.
Khi phượng vàng nở rộ, các đóa hoa ken dầy kết thành những chùm màu vàng tươi trông thật cuốn hút, sau đó nhẹ nhàng rơi theo làn gió dệt nên những thảm hoa vàng trên cỏ xanh, níu chân khách qua đường, làm ngẩn ngơ lòng người thưởng ngoạn.
Ấn tượng nhất là cây phượng ở trường THCS Lê Lợi (huyện Di Linh). Hoa thường nở đồng loạt, trông xa như những đám mây vàng giữa bầu trời xanh ngắt. Khi rụng, muôn vàn cánh phượng ken dầy, tạo thành thảm hoa trên sân trường, đẹp đến nỗi không ai nỡ cầm chổi quét dọn. Khách vãng lai khi đi ngang qua đây thường dừng lại trầm trồ khen ngợi, chụp ảnh lưu niệm cùng cây phượng tuyệt đẹp.
Cụ Nguyễn Văn Liêm (trú đường Hùng Vương, huyện Di Linh) kể rằng, gần chục năm sau khi trồng, cây phượng này mới chịu bung hoa, màu sắc không đỏ như bình thường mà vàng tươi rực rỡ, khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Hiện cây đã mấy chục năm tuổi, hoa rực rỡ, thắm sắc hơn xưa.
Rằm tháng Giêng năm nay, nhiều người đến viếng chùa Phổ Độ (Di Linh) và Tu viện Bát Nhã (TP.Bảo Lộc) bởi không gian thanh tịnh, cảnh quan đẹp, đặc biệt là những cây phượng hiếm hoi đang nở hoa vàng rực giữa nền trời trong xanh trông thật nổi bật, ấn tượng.
Nhiều nhà nhiếp ảnh và du khách trẻ tuổi đang tìm đến Bảo Lộc để săn ảnh phượng vàng, loài hoa được ví như biểu tượng mùa xuân của phố núi; chụp ảnh lưu niệm bên những gốc phượng “tên tuổi” ở nhà thờ Tân Thanh, Trường Châu Á Thái Bình Dương, Trường Cao đẳng Cộng nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, khu vực đối diện với bến xe Thành Bưởi…/.
Comments
Post a Comment