[Huế] Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn
Tọa lạc tại địa chỉ 31 đường Nguyễn Chí Thanh (thuộc phường Phú Hiệp), thành phố Huế, phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn được xây dựng vào năm 1921 dưới thời Khải Định.
Công chúa Ngọc Sơn là ai ?
Công chúa Ngọc Sơn là con gái thứ 2 của vua Đồng Khánh. Khi công chúa đến tuổi lấy chồng, nhà vua cấp cho một mảnh đất rộng hơn 2000 m2 trên đường Nguyễn Chí Thanh để công chúa lập phủ riêng.
Tương truyền bà nổi tiếng với tài nữ công gia chánh. Tuy nhiên người tài hoa thường bạc mệnh, công chúa Ngọc Sơn mất lúc mới 20 tuổi. Để tỏ lòng thương tiếc người vợ yêu quý, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn (con trai của Đông các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng) đã dựng ngôi mộ thờ công chúa trong khuôn viên nhà vườn.
Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn có gì ?
Đây là một trong những nhà vườn truyền thống ở Huế. Khu vườn có diện tích 2.370m2. Trong phạm vi đó, có ngôi nhà rường 3 gian 2 chái và nhà phụ, nhà bếp. Vào năm 1920, ông Phò mã đã tậu ra khu đất này và cho qui hoạch khu vườn cũng như nhà cửa tại đó theo thuật phong thủy. Mặt hướng về phía tây, nhà chính quay lưng ra đường lộ để tránh tiếng ồn và bụi bặm, đồng thời tạo ra một không gian yên tĩnh để thờ phụng và sinh sống.
Từ ngoài đường, người ta đi vào khu nhà vườn bằng cái cổng đơn giản, nhưng trên đỉnh hai trụ cổng có đắp nổi một đề tài mang ý nghĩa hạnh phúc gia đình. Đó là hình ảnh “Lân mẫu xuất lân nhi”.
Từ cổng vào sân là một lối đi uốn lượn mềm mại với hai hàng cây chè tàu ở hai bên. Cái sân trước nhà khá rộng, cuối sân là bể cạn trồng hoa súng các màu khác nhau nở quanh năm. Cạnh bể cạn là hòn non bộ tạo ra hình ảnh Tổ quốc Việt Nam thu nhỏ với hai yếu tố thiên nhiên và kiến trúc.
Thiên nhiên ở đây là núi đồi khe suối với cảnh “cỏ cây chen đá lá chen hoa”, với đề tài “tứ hữu” (mai, lan, cúc, trúc) và “tứ thời” (mai, liên, cúc, tùng). Tạo thành hòn non bộ là các khối đá tự nhiên, nhưng tác giả của nó đã khéo lựa chọn, cho nên có khối đá thì trông giống con voi, khối thì giống con gấu, khối giống con sư tử, con cá sấu, con chim, con rùa, con khỉ v.v…, trông thật sinh động. Nhưng, khối đá cao lớn nhất ở chính giữa trông giống như một ngọn núi được dùng làm bức bình phong của ngôi nhà.
Kiến trúc của hòn non bộ là những biểu tượng chùa Một Cột, chùa Linh Mụ, đền, tháp, cầu… với dáng dấp cổ kính. Hai bên sân trước nhà là hai khối đá khác với hình thù đặc biệt tượng trưng cho hai yếu tố rồng chầu hổ phục (tả long hữu hổ) của thuật phong thủy.
Phía sau hòn non bộ còn có cái hồ đào từ xưa để làm yếu tố ngoại minh đường. Vào mỗi độ hè thu, hồ nở đầy hoa sen trắng, đỏ. Quanh vườn được bao bọc bằng lũy tre, những dãy cau và hàng rào chè tàu cắt xén tươm tất. Trong vườn cũng như trong sân, trồng nhiều loại cây trái lưu niên và thiết trí một số chậu hoa cây kiểng.
Trong nhà, ở gian giữa là các bàn thờ tiền Phật hậu linh. Nội thất treo nhiều hoành phi, câu đối, đặt những sập gụ, tủ chè, tủ sách, tủ đồ xưa, trong đó chứa đựng không ít đồ gia bảo do các thế hệ trước để lại.
Một loại di sản quí báu khác nữa là các hậu duệ đang sống trong phủ thờ này vẫn còn cố gắng gìn giữ được các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống tốt đẹp của tiền nhân. Đó là phần hồn của di sản.
Nếu có dịp đến Huế, hãy ghé đến phủ thờ công chúa Ngọc Sơn để có thêm thông tin cũng như dâng nén hương thơm tưởng nhớ đến con người tài hoa bạc mệnh này.
Thông tin về fanpage Ơi Huế
Fanpage Ơi Huế được một nhóm nhiếp ảnh không chuyên khởi tạo và vận hành với mục đích hỗ trợ thông tin và giới thiệu văn hóa, lịch sử, con người Huế. Họ là những người con Huế, yêu Huế… Với mong muốn thông qua những hình ảnh đẹp, nhóm gởi gắm những tâm tư, tình cảm của mình đến bạn bè bốn phương. Cũng như Giúp du khách có cái nhìn về Huế nhẹ nhàng. “Là thâu vén trọn đầy nỗi niềm yêu Huế vào hai tiếng “Ơi! Huế”. Mong giọt thanh âm trong trẻo ấy mãi lan tỏa những vọng động dịu dàng về một Huế thương yêu.”
Khám Phá Di Sản tổng hợp
Ảnh: Fanpage Ơi Huế
Comments
Post a Comment