Đến Huế, khám phá vườn quốc gia Bạch Mã
Vườn quốc gia Bạch Mã là niềm tự hào của người dân xứ Huế, nơi đây sở hữu phong cảnh thiên nhiên đẹp như bức tranh. Chinh phục đỉnh cao Vọng Hải Đài, tận hưởng dòng nước mát lạnh ở Ngũ Hồ và leo thác Đỗ Quyên hùng vĩ là những trải nghiệm thú vị khi “lạc bước” giữa vườn quốc gia Bạch Mã.
Vườn quốc gia Bạch Mã ở đâu?
Dãy núi Bạch Mã nằm ở vị trí giữa tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Sở hữu khí hậu trong lành, mát mẻ cùng với hệ động thực vật phong phú, vườn quốc gia Bạch Mã là khu du lịch sinh thái thu hút đông đảo du khách tới tham quan và nghỉ dưỡng.
Từ những năm 30 của thế kỷ trước người Pháp đã cho xây dựng vườn quốc gia Bạch Mã là khu nghỉ mát với những biệt thự, khách sạn, con đường mòn, khu chợ. Hiện nay, khu nghỉ mát Bạch Mã được phát triển với nhiều khách sạn mới cùng dịch vụ hiện đại kết hợp với bảo tồn giá trị lịch sử và thiên nhiên. Du lịch dãy Bạch Mã, du khách sẽ được hòa mình cùng thiên nhiên với hồ nước, dòng suối mát lạnh, rừng núi, cỏ cây và có những giây phút thư giãn đáng nhớ.
Vườn quốc gia Bạch Mã có gì ?
Khi đặt chân tới tới vườn quốc gia Bạch Mã bạn sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành cùng hít thở thật sâu và bắt đầu hành trình khám phá. Điểm đến đầu tiên bạn nên tới là tham quan nhà trưng bày của vườn quốc gia và tìm hiểu hệ sinh thái tại vườn quốc gia Bạch Mã.
Nơi đây có thảm thực vật đa dạng với các loài động vật, loại gỗ quý hiếm hòa lẫn âm thanh của tiếng chim hót. Khi đã cảm nhận được hơi thở thiên nhiên núi rừng ở vườn quốc gia Bạch Mã bạn hãy cùng khám phá rất nhiều điểm đến nổi tiếng như:
Tận hưởng làn nước mát lạnh ở Ngũ Hồ
Ngũ Hồ là tên gọi của 5 hồ nước nhỏ kết hợp với nhau tạo thành một con suối lớn với cảnh quan thiên nhiên xung quanh đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Ghé thăm địa điểm này du khách sẽ cảm thấy thích thú khi tận hưởng dòng suối mát lạnh trong veo và có những giây phút nghỉ dưỡng đáng nhớ tại vườn quốc gia Bạch Mã.
Ngắm cảnh hai bên đường mòn trong khuôn viên
Vườn quốc gia Bạch Mã sở hữu những con đường mòn có phong cảnh tuyệt đẹp, bạn có thể dạo bước trong khuôn viên cùng cảm nhận và thư giãn.. Không chỉ được ngắm cảnh đẹp hữu tình của thiên nhiên, mà dọc đường mòn Trĩ Sao dẫn tới thác Trí Sao hoặc đường mòn Đỗ Quyên dẫn tới thác Đỗ Quyên, đường mòn Vọng Hải Đài, đường mòn Ngũ Hổ… bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những loài cây quý hiếm và cổ thụ.
Chinh phục Hải Vọng Đài
Khi đứng trên Hải Vọng Đài bạn sẽ được phóng tầm mắt và chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên thơ mộng và tuyệt đẹp của núi rừng Bạch Mã. Đặc biệt, từ đây bạn có thể nhìn thấy biển Cảnh Dương và biển Lăng Cô ở phía xa nằm ẩn sau những dãy núi xanh ngát. Hải Vọng Đài còn là địa điểm check-in sống ảo lý tưởng của nhiều du khách với những bức hình đẹp lung linh.
Thác Đỗ Quyên đẹp huyền ảo
Dòng thác Đỗ Quyên ở độ cao 300m ngày đêm tuôn chảy nước trắng xóa đẹp như một bức tranh giữa núi rừng hùng vĩ. Sau khi chinh phục 689 bậc thang đá bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh dòng thác như một dải lụa trắng xóa trải dài từ trên đỉnh Bạch Mã.
Nguồn gốc lịch sử tên gọi Bạch Mã
Chúng ta biết đến Bạch Mã là một non thiêng hùng vĩ, nhưng ai là người đầu tiên khai sơn Bạch Mã?
Cuối năm 1925, cái tên Bạch Mã bắt đầu được chú ý khi người Pháp phát hiện ra loài gà lôi lam mào trắng và tòa khâm sứ Trung kỳ (cơ quan đại diện của chính phủ Pháp tại kinh đô Huế) đã đệ trình Bộ Thuộc địa Pháp kế hoạch thành lập khu bảo tồn thiên nhiên bảo tồn loài vật quý hiếm này.
Nhưng phải 7 năm sau đó, vùng rừng núi với độ cao 1.450m mát lành mới lọt vào mắt xanh ông kỹ sư trưởng Sở Công chánh Trung kỳ, Michael Girard, với nhiệm vụ tìm kiếm nơi để xây dựng khu nghỉ dưỡng cho quan chức Pháp đang làm việc ở kinh đô Huế.
Trên đoạn đường dẫn lên đỉnh núi Bạch Mã hôm nay vẫn còn tấm bia ghi bằng tiếng Pháp có nội dung: “Bạch Mã – trạm nghỉ mát trên cao được phát hiện vào ngày 28 tháng 7 năm 1932 bởi kỹ sư trưởng M. Girard của T.P.”. Hai chữ T.P. là viết tắt của Travaux Publics tức Sở Công chánh, tên đầy đủ là Sở Công chánh Trung kỳ (Département des Travaux Publics de l’Annam), cơ quan của Pháp lo việc xây dựng công trình công cộng ở Trung kỳ bấy giờ.
Và người trực tiếp mở con đường lên đỉnh núi Bạch Mã, kiến thiết nên trạm nghỉ dưỡng trên cao này là kỹ sư Raoul Desmarets – một cái tên mà sách báo lâu nay hầu như không thấy nhắc tới.
“Ngày 1-3 (1933), ông lên đường để thu thập thêm thông tin về một ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn, tên là Bạch Mã, “núi ngựa trắng”, cao đến 1.450m, nằm cách Huế khoảng 42km về phía nam… Ngài khâm sứ Trung kỳ và ông mong muốn xây dựng một khu nghỉ dưỡng trên cao ngay tại kinh đô Huế, giống như Đà Nẵng đã mở khu Bà Nà ở phía tây thành phố…
Ông mở một con đường dẫn lên đỉnh núi, một khoảng thời gian sau đó ông khám phá hết thắng cảnh nơi đây và quay trở xuống. Ông đã tìm thấy những gì mình muốn. Bố tôi trình bản báo cáo lên ngài khâm sứ. Ngài khâm sứ M. Grafeuil đã bị thuyết phục và giao cho ông ấy nghiên cứu dự án”.
Ngày 5-5-1934, con đường dài chừng 20km dẫn lên đỉnh núi Bạch Mã hoàn thành với sự tham gia của hơn 500 phu đường. Tuy nhiên, lúc này mới là con đường mòn, chỉ có thể đi bộ hoặc bằng kiệu ghế có người gánh. Đến cuối năm 1935, những du khách đầu tiên đã lên đến đỉnh Bạch Mã bằng cách đó.
Raoul Desmarets tiến hành quy hoạch một khu đất trên đỉnh núi để xây dựng khu nghỉ mát. Năm 1936, những ngôi nhà nghỉ đầu tiên ra đời trên khu vực đỉnh Bạch Mã, trong đó có nhà của Raoul Desmarets.
Những lưu ý khi đi vườn quốc gia Bạch Mã
Thời điểm: Khoảng thời gian từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau là lý tưởng nhất để du lịch vườn quốc gia Bạch Mã. Lúc này thời tiết mát mẻ, khô ráo và không có những cơn mưa lớn rất thuận tiện để di chuyển lên núi. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm có rất nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc.
Cách di chuyển: Để du lịch vườn quốc gia Bạch Mã, thuận tiện nhất là bạn khởi hành từ Huế hoặc Đà Nẵng. Còn với những bạn ở khu vực khác có thể đi máy bay, xe khách hoặc xe máy tới hai địa điểm trên rồi thuê xe máy để bắt đầu hành trình khám phá.
Cung đường từ Huế đi Bạch Mã: Xuất phát từ trung tâm thành phố Huế -> đi theo hướng Đà Nẵng trên quốc lộ 1A -> chạy xe tới xã Phú Lộc sẽ thấy biển màu xanh bên phải có chỉ đường đi Bạch Mã -> đi theo biển chỉ dẫn thẳng một đoạn là tới. Lưu ý, khi tới đoạn xã Phú Lộc cũng có một biển báo ghi đường vào Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã bạn không nên rẽ, vì đây không phải là đường tới Bạch Mã mà là đi Thiền Viện.
Cung đường Đà Nẵng – Bạch Mã: Đi theo hướng đèo Hải Vân ra quốc lộ 1A rồi đi theo hướng dẫn như cung đường Huế – Bạch Mã ở trên là tới.
Cách đi lại trong vườn quốc gia Bạch Mã: Khi lên đến vườn quốc gia Bạch Mã bạn dừng xe mua vé vào cổng là 40.000đ/người. Sau đó di chuyển tới đỉnh Bạch Mã với khoảng cách là 19km, bạn có thể đi xe máy, thuê xe ô tô hoặc đi bộ nếu có sức khỏe tốt.
Lưu trú: Nếu bạn muốn đi trong ngày thì nên mang theo lều bạt để cắm trại, trong khuôn viên của vườn quốc gia Bạch Mã có nhiều bãi đất trống bằng phẳng. Còn nếu muốn nghỉ qua đêm thì có thể lựa chọn những nhà nghỉ hoặc homestay tại đây. Ở phía dưới chân núi Bạch Mã có nhiều homestay rất đẹp các bạn có thể thỏa sức sống ảo.
Ăn uống: Dịch vụ ăn uống tại vườn quốc gia Bạch Mã vẫn chưa phát triển, vì vậy bạn nên mang theo sẵn đồ ăn và bếp nướng để cắm trại. Hoặc có thể đặt cơm tại nhà nghỉ, homestay ở dưới chân núi Bạch Mã.
Khám Phá Di Sản tổng hợp
Bài viết sử dụng ảnh từ fanpage Ơi Huế
Comments
Post a Comment