Thế Tổ Miếu – Nơi thờ phụng các vị vua triều Nguyễn

Thế Tổ Miếu (thường được gọi tắt là Thế Miếu) được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) theo kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc”, tiền doanh 11 gian, hai chái; chính doanh chín gian, hai chái kép. Trong miếu thiết án thờ các vua nhà Nguyễn.

Trong Hoàng Thành Huế, các vua nhà Nguyễn đã cho xây dựng năm khu miếu thờ. Triệu Tổ Miếu (thờ Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim và vợ của ông), Thái Tổ Miếu (thờ chín vị chúa Nguyễn, từ Thái Tổ Gia Dũ hoàng đế Nguyễn Hoàng đến Hiếu Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và các bà vợ của họ). Hai miếu thờ này nằm ở phía tả Thái Hòa Điện, trong những khu vực biệt lập có các vòng tường bao kín. Trong đó, ngoài các miếu chính còn có các miếu nhỏ thờ các vị công thần thời các chúa Nguyễn.

Đối xứng với hai miếu thờ này qua đường thần đạo của Hoàng Thành còn có Hưng Tổ Miếu (thờ Hưng Tổ Hiếu Khương hoàng đế Nguyễn Phúc Luân (còn có tên là Gọ) và hoàng hậu, bố và mẹ của vua Gia Long), Thế Tổ Miếu (thờ các vị vua Nguyễn và các hoàng hậu). Ngôi miếu thứ năm có tên là Phụng Tiên Từ nằm trong một khuôn viên phía sau Hưng Tổ Miếu, ngay trước cung Diên Thọ (nơi ở của Hoàng Thái Hậu) thờ bốn vị vua thời Nguyễn sơ (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) dành riêng cho các bà đến phúng viếng vì họ không được đặt chân đến các ngôi miếu thờ kia, vốn chỉ dành riêng cho nam giới.

Trong các miếu thờ trên, Thế Tổ Miếu là nơi quan trọng bậc nhất. Đây là khu miếu thờ lớn nhất, ngoài miếu chính còn có nhiều công trình phụ thuộc có giá trị nghệ thuật và giàu tính lịch sử như Cửu đỉnh; Hiển Lâm Các (nơi suy tôn công lao các vị thần linh, vua và công thần triều Nguyễn; Tả, Hữu Tùng Tự (nơi thờ các công thần); Canh Biểu Điện (thờ Khổng Tử, nay đã bị triệt hạ); đền thờ Thổ Công. Đây cũng là nơi bảo lưu tương đối trọn vẹn nhất dấu tích xưa so với các khu miếu thờ khác trong Đại Nội Huế.

Thế Tổ Miếu (thường được gọi tắt là Thế Miếu) được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) theo kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc”, tiền doanh 11 gian, hai chái; chính doanh chín gian, hai chái kép. Trong miếu thiết án thờ các vua nhà Nguyễn. Mỗi vị vua được thờ ở mỗi gian. Về kết cấu thiết trí án thờ trong Thế Tổ Miếu tuân theo mô thức chung về cách thiết trí án thờ vua chúa dưới triều Nguyễn. Ngoài cùng là một án thờ dùng làm nơi thờ vọng và thiết trí tam bảo, thường được chạm lộng tứ linh, mây, lá cúc, sơn son thếp vàng. Giữa là kỷ thờ và sập thờ để bát nhang, chân đèn và các đồ tự khí hoặc các cổ vật từng gắn bó với các vị đế hậu lúc sinh thời. Trong cùng là khám thờ. Đây là những tác phẩm nghệ thuật thực sự với lối chạm trổ cực kỳ tinh xảo và nghệ thuật trang trí sơn son thếp vàng truyền thống.

Theo gia pháp của họ Nguyễn, các vị vua bị coi là “xuất đế” và “phế đế” đều không được thờ trong tòa miếu này, vì thế, trước năm 1958, bên trong Thế Tổ Miếu chỉ có 7 án thờ của các vị vua dưới đây:

  •  Án thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế (vua Gia Long) và 2 Hoàng hậu Thừa Thiên, Thuận Thiên ở gian chính giữa.
  • Án thờ Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (vua Minh Mạng) và Hoàng hậu ở gian tả nhất (gian thứ nhất bên trái, tính từ gian giữa).
  • Án thờ Hiến Tổ Chương Hoàng Đế (vua Thiệu Trị) và Hoàng hậu ở gian hữu nhất (gian thứ nhất bên phải, tính từ gian giữa).
  • Án thờ Dực Tông Anh Hoàng Đế (vua Tự Đức) và Hoàng hậu ở gian tả nhị ( gian thứ hai bên trái).
  • Án thờ Giản Tông Nghị Hoàng Đế (vua Kiến Phúc) ở gian hữu nhị (gian thứ hai bên phải).
  • Án thờ Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế (vua Đồng Khánh) và Hoàng hậu ở gian tả tam (gian thứ ba bên trái).
  • Án thờ Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế (vua Khải Định) và Hoàng hậu ở gian hữu tam (gian thứ ba bên phải).

– Đến tháng 10 năm 1958, án thờ 3 vị vua yêu nước vốn bị liệt vào hàng xuất đế là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân đã được hội đồng Nguyễn Phúc Tộc rước vào thờ ở Thế Tổ Miếu. Hiện nay án thờ vua Hàm Nghi được đặt ở gian tả tứ (gian thứ tư bên trái). Án thờ vua Thành Thái đặt ở gian tả ngũ (gian thứ năm bên trái), còn án thờ vua Duy Tân đặt ở gian hữu tứ (gian thứ tư bên phải). Còn các án thờ vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Bảo Đại đến nay vẫn chưa có mặt trong Thế Tổ Miếu.

Xem thêm ảnh về Thế Tổ Miếu tại Hue, truly Vietnam

Nguồn: Hue, truly Vietnam

Bài viết Thế Tổ Miếu – Nơi thờ phụng các vị vua triều Nguyễn bản quyền thuộc Khám Phá Di Sản - Thông Tin Du Lịch Việt Nam.



Comments