[Huế] Thác A Nor vẻ đẹp người thiếu nữ miền sơn cước
Khamphadisan.com.vn – Là một trong bốn ngọn thác đẹp nằm ẩn mình giữa núi rừng A Lưới, Thác A Nor không chỉ tuyệt đẹp, dịu dàng như người thiếu nữ miền sơn cước, mà còn có sự trầm hùng, kỳ vĩ và mang dáng vẻ rắn rỏi của một chàng trai Pa Cô.
Người dân A Lưới có câu nói: “Chưa thăm A Nôr như chưa đến A Lưới”. Thác A Nor nằm cách trung tâm huyện A Lưới 3km, thuộc làng Việt Tiến, xã Hồng Kim. Từ thành phố Huế di chuyển lên đây tầm khoảng 70km
1. Di chuyển tới thác A Nor
Để đến được với thác A Nor bạn đi theo đường Minh Mạng, ra quốc lộ AH1 rồi rẽ cầu Tuần, đi thẳng sẽ tới huyện A Lưới. Cung đường khá dễ đi, tuy phải vượt qua nhiều đoạn đèo khác nhau, nhưng đèo ở đây khá thấp và không ngoằn nghèo hay dựng ngược so với đường đèo phía Bắc.
Đi trong những ngày hè nắng nóng, bạn cần phải chuẩn bị áo dài và quần dài tay, găng tay và khẩu trang, đừng quên mang theo cả nước uống. Trên đường đi, bạn sẽ đi qua đèo A Co được mệnh danh là đoạn đèo khó đi và đẹp nhất của cung đường thành phố Huế – A Lưới.
Đèo A Co một bên là vực núi sâu thăm thẳm và một bên là dãy núi cao, cung đường lộng gió và vắng vẻ. Bạn có thể lưu giữ những khoảnh khắc đẹp cùng với bạn bè của mình tại đây. Sau khi đến thị trấn A Lưới, bạn đi tiếp khoảng 2km bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn đi vào thác A Nor. Ở thác A Nor hiện chỉ có một vài hộ dân xung quanh thác sinh sống và bắt đầu một số dịch vụ du lịch như thuê lều, đồ bơi, đồ ăn…
2. Vẻ đẹp người con gái miền sơn cước
Người dân quanh vùng gọi A Nor là dòng thác 7 tầng, bởi thác không dựng đứng mà nằm thoải sâu vào rừng rậm, tạo ra 7 tầng. Việc chinh phục 7 tầng thác khá khó khăn bởi chưa có đường để leo, chỉ để người dân đi lại vài lần tạo nên đường mòn hiểm hách.
Đến với thác A Nô bạn sẽ được chiêm ngưỡng một dòng nước trắng xóa đổ xuống thành ba ngọn thác liên hoàn cao 8m, 60m và 120m làm nên một thác A Nôr hoang sơ và quyến rũ. Phía dưới chân thác là một hồ nước khá rộng. Nơi đây có thể bơi lội và tha hồ “xông” hơi nước mát.
Bạn cũng có thể hòa mình vào dòng thác ở ngay tầng 2, nhưng để chinh phục cảnh đẹp nhất và hoang sơ bạn nên tiếp tục men theo con đường nhỏ để leo lên tầng 4 của dòng thác. Vì địa hình khá trắc trở, bạn nên nhờ đến sự hướng dẫn của các em nhỏ sống xung quanh khu vực dòng thác. Theo kinh nghiệm của nhiều bạn nhỏ nơi này, vui chơi và tắm ở tầng 4,5 của dòng thác là đẹp nhất bởi thấp, nước nhiều và trong. Nếu bạn không mang theo đồ bơi thì bạn có thể tắm mát tại tầng 2 của dòng thác.
Với độ cao hơn trăm mét nên thác A Nôr luôn có những lớp sương mờ bao phủ, xung quanh thác là thảm thực vật xanh ngắt, không khí mát lạnh vì bụi nước lan tỏa. Nhiều người ví thác A Nôr như một máy điều hòa tự nhiên, chống lại cái nắng gay gắt và gió Lào khô khốc, bức bối khi hè về.
Giữa một không gian thiên nhiên hùng vĩ của thác A Nor bạn có thể xoa dịu sự căng thẳng của cuộc sống, làm cho mọi người ai cũng thấy dễ chịu và sảng khoái. Đến với nơi này, bạn sẽ được tự do hòa mình với dòng nước mát lạnh thì người khó tính nhất cũng có cảm giác thích thú.
3. Một số lưu ý
– Nếu bạn có thời gian hãy ở lại qua đêm tại A Lưới để được trải nghiệm nét văn hóa của người dân nơi đây.
– Các bạn nên mang theo đồ ăn như: Gà, khoai, ngô,… để nướng và ở qua đêm tại dòng thác nếu bạn đi nhiều người.
– Bạn cần chuẩn bị áo ấm vì về đêm nền nhiệt ở đây khá lạnh.
– Bạn nhớ mang theo áo mưa, bởi thời tiết ở huyện A Lưới mưa nắng thất thường. Những cơn mưa bất chợt sẽ kéo đến bất kỳ lúc nào.
– Bạn nên đổ xăng đầy bình trước khi rời thành phố, vì cây xăng ở trên đường đến A Lưới rất hiếm.
Nằm ẩn mình giữa đại ngàn Trường Sơn, thác A Nôr được ví như một thiếu nữ đang chải chuốt mái tóc dài quyến rũ. Nơi này đang trở thàng một trong những điểm đến được nhiều bạn trẻ và du lịch lựa chọn làm điểm đến trong mỗi dịp hè về.
Có thể bạn quan tâm
- Huế – 4 con thác tuyệt đẹp ẩn mình giữa núi rừng A Lưới
- Huế – động Tiên Công điểm đến chưa nhiều người biết tại A Lưới
- Cập nhật top những tọa độ check-in tại Huế siêu HOT năm 2020
binhqb94 (Tổng hợp)
Bài viết [Huế] Thác A Nor vẻ đẹp người thiếu nữ miền sơn cước bản quyền thuộc Khám Phá Di Sản - Thông Tin Du Lịch Việt Nam.
Comments
Post a Comment